03/08/2018

  

Lượt xem: 3090

Đảm nhiệm công việc vệ sinh tòa nhà văn phòng, chị Đàm Thị Hiền luôn là người có mặt sớm nhất tại nhà máy Merap và đồng thời cũng thường xuyên là người ra về muộn nhất.

Luôn có mặt ở nhà máy vào lúc 7h sáng và ra về vào lúc 17h30. Tính ra, chị Hiền thường xuyên có mặt tại nhà máy Merap 10 tiếng rưỡi mỗi ngày.

Chị Hiền luôn là một trong những người có mặt tại nhà máy sớm nhất để làm công việc của mình

Với đặc thù là một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, việc tăng ca, làm thêm giờ chẳng phải là chuyện hiếm gặp. Ví dụ như những đợt thử tương đương sinh học, các thành viên tham gia thử thuốc đều phải ở lại nhà máy vài ba ngày liên tục; chuyên viên nghiên cứu, bộ phận kế toán cũng thường xuyên phải làm thêm giờ.

“Dù vậy, nếu tính tổng thời gian ở tại nhà máy trong 1 năm thì tôi cho rằng không ai nhiều bằng chị Hiền…”, anh Phạm Văn Hoan, trưởng phòng Hành chính Pháp chế, người quản lí trực tiếp của chị Hiền khẳng định.

Sinh ra ở Văn Giang (Hưng Yên) mảnh đất chuyên nghề trồng cây cảnh, cây ăn quả. Theo truyền thống gia đình, chị Hiền làm quen với ruộng vườn từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung học, rồi lấy chồng, trồng trọt trở thành công việc chính của chị Hiền.

Giống như đa phần những người nông dân khác, suốt thời gian gắn bó với nghề nông, chị Hiền luôn phải thấp thỏm lo toan về sâu bệnh, thời tiết… Vậy nhưng, những thấp thỏm, lo toan đó cũng không đủ sức để ngăn những điều tồi tệ xảy ra. Mỗi lần như vậy, cũng giống như những người nông dân khác, chị Hiền lại cố công xoay sở mọi cách để giảm thiểu thiệt hại. Có những năm, thời tiết thuận lợi, mùa vụ bội thu thì giá cả lại tụt giảm…

Cuộc sống bấp bênh cứ thế trôi đi, cho đến một ngày…

Cơn mưa đá xảy ra vào những ngày đầu tháng 8.2008 khiến cho toàn bộ hơn 1 mẫu cam sắp đến ngày thu hoạch của gia đình chị Hiền bị hư hỏng, dập nát. “Thiệt hại tính ra khoảng 80 triệu đồng, tương đương với khoảng 6 lượng vàng. Đấy cũng chính là toàn bộ gia sản của gia đình mình thời điểm ấy”, chị Hiền đau sót nhớ lại.

Biến cố nặng nề ấy đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của chị Hiền. Thay vì “đặt cược nồi cơm” vào ông Trời, chị Hiền muốn tìm cho mình một công việc ổn định, có thu nhập chắc chắn để cùng chồng lo toan cuộc sống gia đình.

Mất 2 năm trải qua một số công việc khác nhau, năm 2010, mối duyên kì ngộ đã đưa chị Hiền đến với cánh cổng nhà máy Merap. “Bước chân vào nhà máy Merap (sau này mình mới được biết là do hãng AKAM của Đức thiết kế xây dựng), mình đã cảm nhận ngay được sự an toàn, chắc chắn. Đó là cảm giác mình chưa bao giờ có được khi còn bươn bả trên những cánh đồng làng”, chị Hiền hồi tưởng lại những ngày đầu ở Merap.  

Sau 3 tháng thử việc chị Hiền chính thức đảm nhiệm công việc vệ sinh tòa nhà văn phòng tại nhà máy Merap.

Chị Hiền gắn bó với công việc dọn vệ sinh toàn nhà văn phòng từ năm 2010.

“Mình sinh năm 1969, khi vào Merap năm 2010 mình đã 41 tuổi. Tuổi đã nhiều, ngoài nghề nông mình không có chuyên môn sâu về một lĩnh vực nào khác nên công việc nhân viên vệ sinh khá phù hợp với mình”, chị Hiền đánh giá. Dừng một lát, chị Hiền tiếp: “Không phức tạp như các bạn làm QA, QC hay bên nghiên cứu, để đảm nhận được công việc, mỗi người cần phải học tập liên tục trong nhiều năm liền, công việc của mình thì chỉ cần tập huấn vài ba buổi là có thể làm được rồi”.

Đúng như chị Hiền nói, công việc của một người làm vệ sinh không quá phức tạp, tập huấn vài ba buổi là có thể làm được. Thế nhưng, duy trì, gắn bó với công việc ấy trong khoảng thời gian hàng năm trời lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Để làm được điều đó, người ta phải tự tìm được cho mình niềm vui trong công việc, chị Hiền cũng vậy.

“Ông bà mình bảo: nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm, mình luôn cho rằng sự gọn gàng, sạch sẽ sẽ mang đến cho mọi người tâm lý vui vẻ, thoải mái. Vì thế, mình luôn cố gắng hết sức để giữ gìn vệ sinh “ngôi nhà chung”. Nhìn mọi người vui vẻ, thoải mái trong thời gian làm việc tại đây là mình vui rồi”, chị Hiền tâm sự.

Với niềm vui tìm được, hằng ngày, chị Hiền mải miết quét dọn từ sảnh chính, hành lang đến các phòng làm việc, lau chùi cửa kính, rửa dọn cốc chén phòng họp, thay giặt khăn lau, cấp giấy nhà vệ sinh…

8 năm chớp mắt trôi qua.

“Công việc của chị Hiền không hối hả như bộ phận nhà bếp khi chuẩn bị đồ ăn ca, cũng không tất bật như bộ phận sản xuất sát ngày giao đơn hàng lớn, cũng chẳng căng thẳng như bộ phận QA, QC khi vào đợt kiểm định nhưng nó đòi hỏi ở người làm sự cẩn trọng, chu đáo. Đây là điều chỉ những người phụ nữ có tuổi, hay lam hay làm như chị Hiền mới có được”, anh Phạm Văn Hoan đánh giá về nhân viên của mình với sự trân trọng xen lẫn tự hào.

“Suốt 8 năm rửa dọn cốc chén ở phòng họp, chị Hiền chưa từng làm vỡ, hỏng bất cứ một đồ vật gì”, anh Hoan nói thêm như để dẫn chứng cho nhận định của mình.

Chị Hiền đã bền bỉ thực hiện công việc của mình suốt 8 năm qua.

Sau nhiều năm năm làm việc tại Merap, chị Hiền có thêm rất nhiều đồng nghiệp, trong số đó có một đồng nghiệp đặc biệt, đó chính là cậu con của chị: Hoàng Mạnh Văn, người đang đảm nhiệm vị trí nhân viên chạy máy, bộ phận hoàn thiện.

“Đa phần cha mẹ chỉ được nhìn thấy con lớn khôn, mình thấy mình là một người mẹ may mắn khi còn được chứng kiến con mình từng ngày, từng giờ trưởng thành tại nơi làm việc”, chị Hiền tâm sự về trường hợp khá đặc biệt của hai mẹ con chị.

Khi được hỏi về dự định tương lại, chị Hiền khẳng định: “Mình sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này khi nhà máy còn cần mình và sức khỏe của mình còn cho phép”.

 

Lê Nguyễn (ghi)